Trường THPT Tân Lập được thành lập theo quyết định số 903/QĐ-UB ngày 02/7/2003 của UBND Tỉnh Hà Tây đặt tại xã Tân Lập – huyện Đan Phượng.

Trường THPT Tân Lập được đầu tư xây dựng với thiết kế của mô hình nhà trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn Quốc gia. Ngôi trường khang trang, nằm trên trục Ngã tư giao thông liên xã Tân Hội – Tân Lập -Liên Trung và Thượng Cát (huyện Từ Liêm – Hà Nội), rất thuận tiện, an toàn giao thông cho các em học sinh các vùng lân cận đến trường học. Đây là ngôi trường mở ra, đón nhận các thế hệ học sinh sau Tốt ngiệp Trung Học Cơ sở của các xã Tân Lập, Tân Hội, Liên Trung, Liên Hà (Huyện Đan Phượng) và một số học sinh vùng phụ cận nhập học.

Được đặt trên địa bàn xã Tân Lập là điều vinh dự cho nhà trường, bởi đây là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” rất đáng tự hào. Chính nơi đây đã sinh ra các danh tướng nổi tiếng: Tương Đinh Tuấn chống quân nguyên 1288, Tướng Văn Sĩ Thành chống quân Minh và thời kì đầu chống Pháp có liệt sĩ Phan Xích một trong ba con hổ xám của vùng Liên Bắc. Đó là quê hương của chiến công “3 ngày 5 trận”. Đây còn là vùng đất có truyền thống hiếu học, có 4/13 tiến sĩ của Huyện Đan Phượng được khắc bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Những ngày mới thành lập, quy mô trường lớp có đủ học sinh 3 khối: Khối 12 – 5 lớp, Khối 11 – 5 lớp, Khối 10 – 10 lớp với 1030 học sinh, trong đó khối 12 và khối 11 là học sinh thuộc các xã Tân Hội – Tân Lập – Liên Hà – Liên Trung được chuyển từ trường THPT Đan Phượng về. Riêng khối 10 tuyển mới 540 em. Biên chế đội ngũ giáo viên có 38 thầy cô giáo, 1 hiệu trưởng, 6 đồng chí cán bộ nhân viên.

Những ngày đầu của năm học 2003 – 2004 có rất nhiều khó khăn: Sân trường chưa lát gạch, chỉ là những mô đất nhấp nhô, chỗ sâu, chỗ trũng, nước đọng thành ao. Xung quanh trường, tường rào không có, cỏ mọc thành bụi, cổng trường chưa xây, không một bóng cây. Cảnh quan môi trường còn rất bề bộn. Thầy mới, trò mới, trường lại mới chính là động lực thúc đẩy thầy trò quyết tâm vượt khó, khắc phục để bước vào năm học mới tự tin phấn khởi, xây dựng từng bước cơ sở vật chất khang trang.

Hàng cau Vua sừng sững vươn cao được trồng trước cửa Ban giám hiệu và hai dãy nhà học lí thuyết, đó là thành quả của các thầy cô và Đoàn trường. Vườn hoa cây cảnh là công sức của các em học sinh và hội cha mẹ học sinh nhà trường. Sân trường, cổng, tường rào là sự quan tâm của sở GD – ĐT Hà Tây. Thầy và trò đều ý thức được trách nhiệm và quyết tâm xây dựng nhà trường theo mô hình giáo dục chất lượng cao, sớm được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Đến năm học 2007 – 2008, chỉ sau 5 năm thành lập trường, trường THPT Tân Lập đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001 – 2010 theo quyết định số 2147/ QĐ – UBND ngày 08/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây.

Tháng 8 năm 2008 sát nhập tỉnh Hà Tây về Thành phố Hà Nội, nhà trường được UBND Thành phố Hà Nội công nhận đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cấp thành phố. Công đoàn nhà trường được tặng bằng khen của công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh nhà trường được tặng bằng khen của Trung ương Đoàn. Kết quả về chất lượng 2 mặt giáo dục nhà trường đáng khích lệ, năm sau cao hơn năm trước.

Đạt được những thành tựu, kết quả trên, có thể khẳng định đó là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quyết tâm phấn đấu nỗ lực của BGH nhà trường, của đội ngũ thầy cô giáo, sự chung sức của các bậc phụ huynh, sự vươn lên học tập của các em học sinh.

Mười năm, thời gian chưa dài so với lịch sử phát triển của một ngôi trường, song cũng đã để lại trong tôi những ký ức tốt đẹp và niềm tự hào về mái trường, về đội ngũ thầy cô giáo đầy nhiệt huyết, có năng lực, luôn tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, về các em học sinh chăm ngoan, học giỏi. Tôi mong các thầy cô, các thế hệ học sinh nhà trường từng bước giữ vững truyền thống và phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, để trường THPT Tân Lập luôn là điểm sáng của giáo dục Thủ đô.

MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC KẾT HỢP

Mô hình TRƯỜNG HỌC KẾT HỢP là mô hình giáo dục kết hợp giữa học trực tuyến và học truyền thống tại lớp học. Mục

ĐỔI MỚI GIÁ TRỊ

Nhận thức được mô hình TRƯỜNG HỌC KẾT HỢP giúp tận dụng ưu điểm của cả hai hình thức học tập, tạo ra môi trường